Rút ngắn tiến độ thi công hầm xuyên núi dự án đường bao biển Hạ Long Cẩm Phả
Sau 4 tháng thi công từ tháng 3/2021 đến ngày 11/7 vừa qua, nhánh phải của đường hầm xuyên núi thuộc dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả đã chính thức thông hầm kỹ thuật. Để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả sau đầu tư, hiện nhà thầu đang thực hiện rà soát, quyết tâm tập trung rút ngắn tiến độ thi công, hoàn thành công trình hầm xuyên núi vào cuối năm 2021.
Hầm có thiết kế dài 235m, với 2 ống hầm, mỗi ống 3 làn xe, đặt tại vị trí giáp ranh, đóng vai trò kết nối giữa 2 đô thị lớn là Hạ Long và Cẩm Phả. Đây là công trình đường hầm lớn nhất Quảng Ninh đến thời điểm này và cũng là một trong những đường hầm xuyên núi có nền đường lớn nhất Việt Nam.
Theo kế hoạch, hầm được triển khai từ tháng 12/2020, tuy nhiên khi bắt đầu tổ chức thi công, công trình đã gặp phải nhiều khó khăn do hầm đi xuyên qua núi đá vôi, có nhiều hang caster, đá không liền khối, kết cấu đá rời rạc, nguy cơ sụt lún cao…Do vậy, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu điều chỉnh phương án thi công, tổ chức gia cố cửa hầm, đến tháng 3/2021 mới chính thức khoan hầm. Vì thế, công trình có chậm hơn kế hoạch mất 3 tháng. Để bù tiến độ, nhà thầu đã bổ sung thiết bị, tăng cường thêm máy móc, tham vấn các chuyên gia ngành GT-VT về biện pháp tổ chức thi công hầm, lựa chọn phương án tối ưu, khắc phục khó khăn để áp dụng tại công trường.
Đến nay, hầm phải tuyến dài 235m đã thông kỹ thuật, nhà thầu đang tiến hành gia cố mái hầm và triển khai hạ phần tường. Còn hầm trái tuyến dài 225,6m, thi công đào được 158,4m. Trong đó phía Cẩm Phả đào gương đạt 53,18m, phía Hạ Long đang tiến hành nổ lõi để đẩy gương trước, thi công đào được 105,22m. Dự kiến hầm trái tuyến sẽ thông kỹ thuật vào cuối tháng 7/2021. Các hạng mục khác của hầm sẽ được thi công, hoàn thành nốt để nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong tháng 12/2021, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Hầm xuyên núi Hạ Long – Cẩm Phả hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm tải cho QL18, khai thác các tiềm năng về đất đai trong khu vực tuyến đi qua, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển, hình thành nhiều cảng bến và khu đô thị dọc theo tuyến, kết nối thuận lợi, khai thác lợi thế Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long…
Cùng với đó, sẽ góp phần giảm tác động môi trường, giữ gìn cảnh quan bên bờ Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, giữ vững môi trường của hệ thống núi đá vôi khu vực, hạn chế nguy cơ sạt lở đất đá mái taluy hai bên tuyến thay cho phương án xẻ núi làm đường như giai đoạn đầu.